Di tích lịch sử Yên Hải

Chùa Yên Đông còn có tên chữ là "Pháp Âm Tự" (phật pháp âm đức). Chùa thuộc làng An Đông hay Yên Đông (yên ổn, đông vui), xã Phong Lưu. Từ sau 1890 đến nay là thôn Yên Đông,phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Yên Đông là một trong số ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nam, Quảng Yên còn lại đến ngày này. Theo như văn bia để lại thì chùa được dựng vào đầu thế kỷ 16 bằng tranh tre, nứa, lá. Đến năm Đoan Thái thứ 2 (ngày 21/8/1587) chùa được xây dựng lại khang trang. Năm Mậu Tý, ngày 4/02/1588 tô đắp tượng phật, đến ngày 23/6/1588 làm lễ khánh thành.

Trải qua thời gian, biến cố lịch sử không gian của chùa đã thay đổi nhiều tuy nhiên chùa vẫn giữ được nét cổ kính của một ngôi chùa cổ. Đặc biệt chùa vẫn giữ được nguyên vẹn 8 pho tượng phật được làm vào năm Mậu Tý niên hiệu Đoan Thái (1855) đó là 3 pho tượng tam thế, 1 pho Adiđà, 2 pho Quan thế âm, Đại thế Chí, 1 pho Thích Ca thuyết pháp, 1 pho Quan Âm 18 tay. Đây là các tác phẩm điêu khắc gỗ được làm vào thời Mạc (thế kỷ 16) với các đường nét chạm khắc mềm mại, chau chuốt đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Ngoài ra chùa Yên Đông còn lưu giữ được 2 tấm bia khắc vào năm Hưng trị thứ 3 (1590), Hưng trị thứ 4 (1591), đây là những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo của thời Mạc với hình tượng rồng uốn lượn, hoa văn hoa lá đặc trưng của thế kỷ 16 mà ít chùa có được. Không chỉ vậy chùa Yên Đông còn có nhiều tượng phật, bia đá, đồ thờ tự được làm vào thời Nguyễn mang giá trị nghệ thuật cao.

Chùa Yên Đông được bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT, ngày 24/11/2000.[4][5]